image banner
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI
Lượt xem: 14
anh tin bai

Ở nước ta, bệnh Dại đã lưu hành trong nhiều năm, đặc biệt có chiều hướng gia tăng liên tục trong thời gian gần đây sau đại dịch Covid-19. Năm 2021, trên cả nước còn 66 trường hợp tử vong, năm 2022 số ca tử vong tiếp tục tăng lên 70 ca, năm 2023 đã có 82 ca và 7 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 65 ca tử vong, tăng 10% so với cùng kỳ 2023 (59 ca). Bệnh đặc biệt tăng cao ở các tỉnh Bình Thuận (8 ca), Đak Lak (5 ca), Gia Lai (5 ca), Nghệ An (5 ca), Bến Tre (4 ca), Tây Ninh (4 ca), Hòa Bình (3 ca),… Bên cạnh đó số người bị chó, mèo và các loài động động vật khác cắn lên tới 700.000 người mỗi năm, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe tinh thần và kinh tế của người dân.

 

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Sau khi bị chó dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 1-3 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

 

Để phòng, chống bệnh dại, mỗi hộ gia đình, người dân cần hiểu rõ bản chất nguy hiểm của bệnh, có biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật. Tất cả các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó mèo, từng thôn xóm, xã, phường thực hiện tốt các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.Cam kết thực hiện 5 không:

1. Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại;

2. Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương;

3. Không nuôi chó thả rông;

4. Không để chó cắn người;

5. Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Trường hợp người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như người làm nghề giết mổ chó, người đi đến khu vực có lưu hành bệnh dại cần đến cơ sở y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại. Đối với người bị phơi nhiễm với vi rút dại như bị chó, mèo nghi dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh, cần đến ngay các điểm tiêm phòng để được khám và điều trị dự phòng càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm rửa vết thương, tiên vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Đối với động vật bị dại, gia đình cần phối hợp cơ quan thú ý, chính quyền địa phương diệt ngay chó hoặc động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng ổ dịch.

Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại. Không được vận chuyển đưa chó mèo ra, vào vùng có dịch. Những người trực tiếp làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

---------------------------------------------------------

  •  Bệnh viện Da liễu Thái Bình
  •  Địa chỉ:
  •  Cơ sở 1: số 278 Trần Thánh Tông, Phường Đề Thám, Thành phố Thái Bình.
  •  Cơ sở 2: Xã Vũ Vân, Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình
  •  Thời gian làm việc: Các ngày trong tuần, thứ 7, chủ nhật và ngày nghỉ Lễ:

            Buổi sáng từ 7h00-11h30

          Buổi chiều từ 13h30-17h00

  •  ĐT: 0227 3836 812.
  •  Facebook: Bệnh Viện Da Liễu Thái Bình
  •     Tiktok: bvdalieuthaibinh

 

Tổ thông tin truyền thông, GDSK.